Hoàng Thị Sơn đến từ miền Trung Việt Nam là một người có nhiều vai trò khác nhau: một người bà mồm miệng vui vẻ, một người mẹ tận tụy, một góa phụ kiên cường, một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và một người sống sót đầy dũng cảm sau căn bệnh ung thư vú chết người. Sự hoạt bát của cô ấy mang lại niềm vui cho tất cả những người xung quanh mình. Tuy nhiên, cuộc sống của chị không thiếu những những thử thách to lớn. Năm 2005, cô phải đối mặt với sự ra đi đột ngột của chồng, khiến cô phải một mình nuôi dạy hai cô con gái. Chấp nhận hoàn cảnh góa bụa của mình, cô thợ may vẫn cần cù làm việc để kiếm sống cho gia đình. Tuy nhiên, vào năm 2014, số phận lại thử thách cô một lần nữa, cô được chẩn đoán bị ung thư vú. Quyết tâm hơn bao giờ hết, cô cố gắng đứng vững khi đối mặt với nghịch cảnh. Tuy nhiên, hậu quả xuất hiện sau ngày phẫu thuật cắt bỏ đôi vú lại khiến cô phải vật lộn với một cuộc chiến khác – cuộc chiến chống lại căn bệnh trầm cảm và thiếu tự tin ngày càng tăng do cơ thể cô trở nên xa lạ và thiếu nữ tính.

Ung thư vú là một căn bệnh tế nhị và rất riêng tư, hiếm khi nó được thảo luận công khai trong cộng đồng những người mắc bệnh như Cô Sơn trên khắp Việt Nam. Ở nhiều nước thu nhập thấp và trung bình, chỉ có một số ít bác sĩ phẫu thuật (nếu như có) được đào tạo để thực hiện được thủ thuật tái tạo vú sau ung thư phức tạp. Kết quả là, tái tạo vú là một khái niệm xa vời, ngay cả đối với nhiều bác sĩ ngoại khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư ở Việt Nam. May mắn là cô Sơn được giới thiệu đến Bác sĩ Lê Thừa Trung Hậu, là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ – tạo hình xuất sắc cũng là một đối tác thường xuyên của Tổ chức ReSurge International (Mỹ), và là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ – tạo hình đầu tiên ở miền Trung Việt Nam có thể thực hiện tái tạo vú sau ung thư. Cô Sơn từ nơi ở Đà Nẵng đã đến Huế để được Bác sĩ Hậu thăm khám.
Năm 2015, cô Sơn là một trong những bệnh nhân được Bác sĩ Hậu phẫu thuật tái tạo vú, cuộc phẫu thuật này không những đã thay đổi cuộc đời cô mà còn là tấm gương cho hàng trăm bệnh nhân ung thư vú khác xung quanh cô.

“Ung thư vú là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư cho phụ nữ (ở Việt Nam). Nhưng khi một người phụ nữ trải qua hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật cắt bỏ vú, không ai nghĩ về việc tái tạo vú như một lựa chọn khả dĩ”, bác sĩ Hậu giải thích. “Chúng tôi đang thay đổi điều đó.”
Những rào cản mà cô Sơn phải đối mặt không phải là bất thường gì. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ít có cơ hội được phẫu thuật tái tạo vú khi sống ở khu vực nông thôn hay ở miền núi. Nguyên nhân là chi phí phẫu thuật cao và ít được trang trải bởi bảo hiểm y tế đã cản trở phụ nữ được tiếp cận phẫu thuật này trên toàn thế giới.
Những trải nghiệm sau phẫu thuật của cô Sơn đã chứng tỏ đây là việc tích cực nên làm. Sau khi tái tạo lại cơ thể, cô nhận thấy có những biến chuyển rõ rệt. Cô cho rằng mình may mắn khi gặp được một bác sĩ đẳng cấp thế giới. Thật không may, không phải tất cả mọi người trên đất nước của cô cũng có cơ hội như vầy.
Vì không có hệ thống đào tạo quốc gia về tái tạo vú sau ung thư ở Việt Nam, nên hàng năm Tổ chức ReSurge đều cử nữ bác sĩ Nguyễn H. Dung, một tình nguyện viên y tế và là Giám đốc Tái tạo vú tại Trung tâm Ung thư Phụ nữ Stanford (Mỹ), về thăm Việt Nam để cùng Bác sĩ Hậu mở các khóa đào tạo thực hành cho các bác sĩ học nội trú tại quê nhà Huế (của Bác sĩ Trung Hậu) cũng như các bác sĩ phẫu thuật viên khác từ khắp mọi miền của đất nước.

Điều này cho phép những người sống sót sau ung thư vú, những người không có khả năng chi trả hoặc tiếp cận phẫu thuật tái tạo vú được chữa trị. Những khóa học này đã cung cấp những kỹ năng nền tảng quan trọng cho thế hệ bác sĩ phẫu thuật trẻ ở các địa phương của Việt Nam. Bằng cách xây dựng năng lực phẫu thuật tại chỗ tại Việt Nam, Bác sĩ Dung và Bác sĩ Hậu đảm bảo rằng dịch vụ phẫu thuật tái tạo vú sẽ được thực hiện quanh năm, không phụ thuộc vào các chương trình viếng thăm và phẫu thuật hàng năm của các bác sĩ Mỹ nữa.
Cô Sơn cũng may mắn là sống ở Việt Nam, một đất nước có nền y tế khá phát triển có khả năng chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư, và giờ đây nhờ những người tiên phong như bác sĩ Trung Hậu, lại có thêm khả năng vi phẫu thuật tái tạo vú. Nhưng không phải quốc gia nào cũng được như Việt Nam. Chương trình phẫu thuật tái tạo vú của Tổ chức ReSurge tại Việt Nam đang trở thành một trung tâm đào tạo toàn cầu về phẫu thuật tái tạo vú. Cuối năm nay, các nữ phẫu thuật viên từ Ecuador, Ấn Độ, Nepal, Tanzania và Zambia sẽ đến Việt Nam để học tập dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ Dung và Bác sĩ Hậu. Những bác sĩ học viên này, tất cả đều là thành viên của Chương trình Phụ nữ tiên phong trong phẫu thuật tạo hình của ReSurge, sẽ học các kỹ năng phẫu thuật để rồi họ có thể áp dụng tại quê nhà trong tương lai gần, thậm chí là truyền dạy lại cho các đồng nghiệp của mình ở quê nhà.
Thông qua những nỗ lực này, ReSurge đang giúp tạo ra thế hệ bác sĩ phẫu thuật tái tạo đầu tiên cho nhiều cộng đồng chưa được phục vụ, và tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến các thế hệ bác sĩ mới về sau. Nhờ vậy, ngày càng nhiều bệnh nhân sẽ được tiếp cận hơn với phẫu thuật tái tạo vú, cuộc phẫu thuật sẽ làm thay đổi cuộc đời của nhiều người một cách tích cực.
Về phần mình cô Sơn cũng đang tích cực tạo nên hiệu ứng lan tỏa. Khi ở trong bệnh viện, cô đã nhìn thấy sự đau đớn và nỗi buồn của các bệnh nhân và gia đình khác. Cô đã gặp những bệnh nhân ung thư vú khác trong khi lấy thuốc và thường hỏi họ cảm thấy thế nào. Từ đó cô khao khát có một cộng đồng để mọi người có thể giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống sau ung thư.

Cùng với những người khác có hoàn cảnh tương tự, cô đã tập hợp và trở thành thủ lĩnh của Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng, là một nhóm gồm hơn 100 người sống sót sau ung thư vú, biến câu lạc bộ này thành nơi họ thường xuyên gặp gỡ để thảo luận, động viên và hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng tầm nhìn của họ thậm chí còn to lớn hơn nhiều. Họ muốn rằng ngày càng có nhiều phụ nữ biết thông tin về phẫu thuật tái tạo vú để tiếp cận được phẫu thuật làm thay đổi cuộc sống này.
Đó cũng chính xác là những gì bác sĩ Hậu đang cố gắng làm. “Tôi muốn bệnh nhân của mình có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Điều đó rất quan trọng, họ cảm thấy cơ thể trọn vẹn trở lại và từ đó có được sự tự tin”, Bác sĩ Hậu nói.
Hôm nay, nhờ bác sĩ Hậu, cô Sơn không chỉ tự tin mà cuộc sống năng động và viên mãn đã trở lại.
Biên dịch và sử dụng hình ảnh của bài viết trên trang web của Tổ chức ReSurge International (Mỹ).