Cháu Nguyễn Đức Thịnh, 7 tuổi, ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lại lên bàn mổ để tháo thiết bị cố định cẳng chân, thẩm mỹ ở gót chân. Vậy là sau 10 lần mổ, đôi chân Thịnh đã có thể bước đi bình thường như bao đứa trẻ lành lặn khác. Hôm ấy, lúc đưa con vào phòng mổ, chị Hằng nói với tôi rằng “vạn lời cám ơn cũng là không đủ”, bởi nếu không có tình thương, tận tâm và kiên trì của các bác sĩ ở BV T.Ư Huế, con chị đã phải chịu cảnh tàn phế suốt đời.
Sự tận tâm, trách nhiệm và cả sự kiên trì của các y bác sĩ ở Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bàn tay, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình BV T.Ư Huế cứu cháu Nguyễn Đức Thịnh khỏi cảnh tàn phế suốt đời.
Xe cán nát chân phải
Nguyễn Đức Thịnh là đứa trẻ thông minh, hiếu động. Thịnh say sưa kể cho tôi nghe chuyện ở lớp, ở trường em, nhưng khi nhắc đến vụ tai nạn xảy ra cách nay gần 2 năm, gương mặt cậu bé hiển hện sự sợ hãi, hoảng hốt hãy còn nguyên. Thịnh im lặng, ngồi thu mình vào góc giường bệnh. Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng – mẹ Thịnh, kể: “Đó là một ngày cuối tuần, tui lấy xe máy đèo con ra nhà ông bà nội chơi. Đoạn đến đèo Đá Nhảy thì bị chiếc xe tải quẹt, cháu văng ra đường liền xe cán dập nát chân phải”. Nhìn con trai máu chảy đầm đìa, chị Hằng nước mắt ràn rụa, kêu cứu khản cổ. “Lúc đó, nghe con đòi phải có đôi chân lành lặn để được đến trường với cô, các bạn, tui đau đớn tột cùng”, chị Hằng nhớ lại. Thịnh được các sơ cấp cứu rồi chuyển vào BV T.Ư Huế điều trị.
Ths.Bs Lê Thừa Trung Hậu, Phó Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bàn tay, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình BV T.Ư Huế kể, cháu Nguyễn Đức Thịnh lúc tiếp nhận điều trị, chân phải bị gãy hở trầm trọng: “Chúng tôi tiên lượng bệnh cháu rất nặng, khả năng bảo tồn phần chân bị gãy là rất thấp. Dù bắt buộc phải mổ nhưng cắt chi hay bảo tồn là câu hỏi lớn đối với tôi hôm đó”, bác sĩ Hậu nói. Nếu cắt cụt một lần rồi cho về là điều không khó. “Nhưng rồi đây sẽ có thêm một đứa trẻ bị tật nguyền, lại thêm một gánh nặng nữa cho gia đình cháu và xã hội. Còn hy vọng là còn làm, vì thế mà tôi dốc hết sức để trả lại cho cháu đôi chân lành lặn”, bác sĩ Hậu tâm sự.
“Các cháu như con tôi”
Bác sĩ Lê Thừa Trung Hậu kể, ca mổ thứ nhất định vị phần chân gãy được tiến hành suôn sẻ, nhưng bệnh nhân sau đó đối diện với tình trạng các vết thương tổn bị hoại tử. “Chúng tôi băng áp lực âm để điều trị các vết thương tổn. Cứ 3 ngày thay băng, cắt lọc một lần, làm trong 4 tuần liền”, bác sĩ Hậu nói. Khi các vết thương dần ổn định, phần thịt mới của bệnh nhân phát triển trở lại, các bác sĩ tỉ mẩn cấy ghép từng phần da để tái tạo sự sống cho những vùng thương tổn.
Chưa hết, bác sĩ Hậu cùng êkíp của mình phải đối mặt với tình huống cam go hơn khi phần thịt da gót chân của bệnh nhân bị hoại tử hoàn toàn, lộ xương gót chân. Thêm một ca phẫu thuật nữa được tiến hành bằng cách lấy phần thịt ở chân đối diện để che phủ vùng gót chân bị hỏng… Sau 2 tháng, 9 ca mổ, các vết thương ở vùng chân bị dập nát của cháu Nguyễn Đức Thịnh lành hẳn.
Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng kể: “Mổ liên tục, đến mức thằng con tui thấy bác sĩ Hậu mặt mày xanh lét, nằm úp vô tường vì sợ. Rứa rồi không biết bác nói với con mà hắn cười, vâng lời răm rắp. Vô viện tui sợ con bị cưa chân bao nhiêu thì khi thấy nụ cười, nghe những lời động viên và cả sự kiên trì, trách nhiệm của các bác sĩ với con, tui vững lòng bấy nhiêu”. Sau nhiều tháng dài đằng đẳng, lúc con cử động được bàn chân, rồi tập tễnh bước những bước đầu tiên sau nhiều tháng trời tiến hành điều trị phục hồi chức năng, chị Hằng đã không cầm được những giọt nước mắt. “Con bước chân tập tễnh, cà nhắc rồi bước đi như đứa trẻ bình thường. Niềm sung sướng, hạnh phúc với tui không có ai có thể thấu hết được. Với các bác sĩ, có vạn lời cám ơn cũng là không đủ” – chị Hằng nói.
Và mới đây, Thăng trong lễ phát động chương trình vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm “Trọn nghĩa tình đồng bào, ấm tình cha mẹ” tại Hà Nội, Nguyễn Đức Thịnh đại diện cho 270 nghìn trẻ em là nạn nhân tai nạn giao thông đọc và gửi bức thư kêu gọi “người lớn” tham gia giao thông an toàn cho Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Thịnh viết: “Chúng cháu là trẻ em. Có thể trong tương lai chúng cháu sẽ có quyền quyết định, nhưng giờ đây, chính các cô, các bác mới là người có thể giúp chúng cháu…”. Và em không quên cám ơn những bác sĩ của BV T.Ư Huế trả lại cho em cuộc sống như bao đứa trẻ khác là được đến trường, lại được vui chơi, chạy nhảy với bạn bè.
Còn Ths.Bs Lê Thừa Trung Hậu nói với tôi: “Còn hy vọng là còn làm, chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ!”.
Laodong.com.vn
Nguồn: http://tamlongvang.laodong.com.vn/y-duc-y-nghiep/tra-lai-cho-chau-doi-chan-lanh-lan-336625.bld